KINH NGHIỆM HỌC TẬP TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, biểu hiện rõ rệt nhất là sự hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Bên cạnh sự hợp tác về kinh tế, sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia cũng rất quan trọng, nên việc biết ngoại ngữ đang dần trở thành xu thế tất yếu và bắt buộc. Ngoại ngữ hướng chúng ta đến thế giới bên ngoài, đưa chúng ta đến gần hơn với những thành tựu của một quốc gia khác. Càng biết thêm nhiều ngoại ngữ, thế giới càng rộng mở, chúng ta càng có khả năng giao tiếp với nhiều người, tiếp cận với nhiều cuốn sách chứa đựng những chân trời mới.

Mặc dù có ý nghĩa to lớn như vậy nhưng thực trạng học ngoại ngữ của chúng ta hiện nay vẫn chưa mấy khả quan. Đặc biệt là đối với một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật. Vì thế, để giúp những người mới bắt đầu học tiếng Nhật có thể tiếp cận một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, Japan.Close-up đã thực hiện cuộc phỏng vấn chia sẻ kinh nghiệm học tập tiếng Nhật đối với những bạn trẻ đang theo học ngoại ngữ này tại Việt Nam.

Contents

LÍ DO QUYẾT ĐỊNH HỌC TIẾNG NHẬT

Bạn Đ.T.A.P, sinh viên khoa tiếng Nhật trường ĐHDL Phương Đông, Hà Nội chia sẻ rằng bạn biết đến tiếng Nhật từ 3 năm trước. Lý do lớn nhất Đ.T.A.P chọn tiếng Nhật chính là vì niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa Nhật Bản. Đ.T.A.P nghĩ thời gian học đại học sẽ giúp bạn trải nghiệm và khám phá nhiều điều thú vị hơn về đất nước mặt trời mọc.

“Mỗi ngày học ngoại ngữ, bản thân mình thấy đã tiến bộ hơn hôm qua một chút, đó chính là cảm hứng học tập của mình. Khi nhận thức được việc mình làm đang đem lại kết quả chính là động lực tràn trề nhất đối với mình.” Đó là lời chia sẻ chân tình của bạn C.H.A.U, một sinh viên vừa hoàn thành xong chương trình đại học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.

 

ĐIỀU THÚ VỊ HOẶC KHÓ KHĂN KHI HỌC TIẾNG NHẬT

Trong quá trình học tiếng Nhật, bạn Đ.T.T hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Ngôn ngữ Nhật của trường ĐHDL Phương Đông, Hà Nội đã chia sẻ rằng điều thú vị là khi bạn được gặp gỡ bạn bè và các thầy cô người bản xứ. Mọi người đều nhiệt tình và giúp đỡ bạn ấy rất nhiều. Bên cạnh đó, Đ.T.T cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nghe hiểu, nhớ chữ Hán hay đôi khi không thể phân biệt các cấu trúc ngữ pháp.

Cũng giống Đ.T.T, bạn C.H.A.U đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng khó khăn nhất khi học tiếng Nhật đó là học chữ Hán. Có những lúc nhìn vào các chữ Hán rất đơn giản, C.H.A.U cũng không đọc được. Ngồi một lúc bình tâm lại thì bạn mới có thể nhớ ra cách đọc chữ Hán đó.

 

GỢI Ý PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ

Khi nói đến phương pháp học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng, có rất nhiều phương pháp học tập hiệu quả khác nhau, từ những phương pháp được các anh chị đi trước chia sẻ, đến những phương pháp mà bản thân mỗi người khám phá ra trong quá trình học…

Khi được hỏi về điều này, bạn C.H.A.U đã chia sẻ với chúng tôi “Phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả thì có nhiều vô số. Nhưng cá nhân mình vẫn trung thành với hai cách học mà mình nghĩ có tính hiệu quả cao. Thứ nhất là học bằng flashcard và thứ hai là học theo phương pháp Spaced repetition – lặp lại cách quãng. Mình là một người rất mau quên nên từ khi biết đến phương pháp học bằng flashcard thì việc học trở nên dễ dàng hơn. Học như vậy vừa tiện lợi, vừa giúp não bộ tư duy theo kiểu ngẫu nhiên, tránh được tình trạng học vẹt, học rập khuôn. Về phương pháp Spaced repetition – lặp lại cách quãng, đây là kiểu học gối đầu, cách quãng và rất phù hợp để học từ vựng. Khi gặp và học từ mới nhiều lần có kế hoạch thì việc ghi nhớ từ vựng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.”

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được những chia sẻ rất cụ thể và hữu ích đến từ bạn B.T.M.X, cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ Nhật tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Các bạn cũng có thể thử áp dụng phương pháp học tập của bạn ấy, từ đó tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân. Dưới đây là chia sẻ của bạn B.T.M.X:

“Mình xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc học tiếng Nhật, với mục tiêu là đảm bảo đầy đủ cả 4 kỹ năng Nghe – nói – đọc – viết và phải ứng dụng được trong đời sống. Phương pháp mình sử dụng để nạp kiến thức ở hầu hết các môn là “Spaced Repetition” – lặp lại ngắt quãng, hiểu đơn giản là mình sẽ chia nhỏ lượng kiến thức, học mỗi ngày và ôn tập định kỳ theo tuần, theo tháng.

– Từ vựng: Khi học từ vựng, nhất là ở trình độ N3 trở lên, có rất nhiều từ vựng đồng nghĩa nhưng ngữ cảnh sử dụng khác nhau. Mình thường tập trung tìm kiếm điểm đặc biệt để phân biệt các từ vựng đó với nhau. Sau khi học, mình sẽ cố gắng vận dụng từ vựng trong sinh hoạt, các câu chuyện hàng ngày, kết hợp cùng với ngữ pháp để đặt câu. Mình cũng chú trọng học cách phát âm của từ, nghe audio giọng đọc chuẩn, và luôn đọc to thành tiếng chứ không chỉ nhìn và ghi nhớ ý nghĩa. Điều này cũng giúp mình nghe và nói tốt hơn.

– Hán tự: mình học theo bộ thủ, âm Hán Việt, tưởng tượng ra các câu chuyện và cố gắng ghi nhớ Hán tự bằng hình ảnh trong đầu. Vừa nhắm mắt, tưởng tượng lại hình ảnh, tay viết ra giấy, theo cách này, mình chỉ cần viết vài chữ là ghi nhớ được.

– Ngữ pháp: Mình học ý nghĩa ngữ pháp, liên hệ với bản thân để đưa ra các ví dụ đơn giản, gần gũi và dễ nhớ. Cũng giống như với từ vựng, mình sẽ tập trung ghi chú lại điểm quan trọng cần lưu ý của ngữ pháp này rồi so sánh với các ngữ pháp khác có ý nghĩa tương tự, từ đó vận dụng để giải bài tập.

– Nghe – nói: mình thích nghe nhạc, nghe Ted nên thường tận dụng sở thích này để học luôn. Khi không có thời gian, mình sẽ nghe thụ động, còn vào giờ học nghe – nói thì mình sẽ dừng lại ở từng câu, từng đoạn để tra nghĩa, cách dùng từ, cách nói tự nhiên, phát âm, và tập shadowing theo nội dung nghe được, hay tập hát những bài mà mình thích. Mình không nghe quá nhiều mà thường sẽ nghe đi nghe lại 1 đoạn nhất định, từ không có script đến có script, rồi lại tắt script. Mỗi ngày mình chỉ tập trung nghe tối đa 30 phút, rồi sẽ nghỉ ngơi hoặc chuyển sang học kỹ năng khác.

Mình đang dùng app Hello Talk để thỉnh thoảng trò chuyện cùng người Nhật. Bên cạnh đó, mình cũng luyện nói với bạn bè, tham gia các CLB để rèn luyện sự tự tin và có môi trường để giao tiếp.

– Đọc: mình tập thói quen đọc nhiều nhất có thể, đọc những mẩu tin ngắn trên NHK,… và đọc thành tiếng.

– Viết: mình cũng dùng Hello Talk để đăng các bài viết nhỏ, sẽ có người học tiếng Nhật và người Nhật sửa lỗi cho mình ngay tại bài viết luôn.

Các bạn cũng có thể viết nhật ký, viết blog bằng tiếng Nhật để tự tạo môi trường sử dụng tiếng Nhật cho mình nhé.

Với mình, không chỉ riêng ngoại ngữ, việc tìm ra phương pháp cũng như chọn mỹ phẩm hay một bộ quần áo, các bạn nên tự thử, trải nghiệm nhiều và thay đổi, linh hoạt để tìm ra đâu là thứ phù hợp nhất với mình, như vậy mới hiệu quả. Không có phương pháp tốt nhất, chỉ có phương pháp phù hợp nhất với bạn lúc đó mà thôi.”

 

ĐIỀU MUỐN NÓI VỚI CÁC BẠN ĐANG THEO HỌC TIẾNG NHẬT

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều điều nhắn nhủ đến các bạn đang theo học tiếng Nhật hiện nay. Bạn B.T.M.X chia sẻ “Hãy cứ trải nghiệm thật nhiều, hãy cứ sai, quan trọng là nhận ra vì sao mình sai và tìm cách khắc phục, phát triển từ những cái sai đó. Đôi khi, lười một chút cũng không sao, nản lòng một chút cũng không sao, miễn là bạn luôn kiên trì, phấn đấu và đừng bỏ quên mục tiêu của mình.”

Anh T.K.C, cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh cũng nhắn nhủ rằng mỗi người nên có mục tiêu rõ ràng và lộ trình phù hợp để học tiếng Nhật. Khác với các môn tự nhiên, học ngoại ngữ cần có thời gian tiếp xúc và thực hành thường xuyên. Do đó, ngoài học theo giáo trình, các bạn có thể luyện tập bằng cách tham gia các CLB, đọc truyện tranh, xem phim, hay thông qua các ứng dụng học tiếng Nhật.

 

Qua đây, có lẽ các bạn cũng đã có cái nhìn khách quan hơn về việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng rồi phải không? Vậy bạn còn chần chừ gì nữa, hãy tự lên kế hoạch cho bản thân, trải nghiệm các phương pháp học tiếng Nhật khác nhau để tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất. Chúc các bạn sẽ luôn thành công trên con đường học tiếng Nhật của mình!

 

 

 

 

Scroll to Top