NGHỀ CHĂM SÓC Ở NHẬT LÀ CÔNG VIỆC NHƯ THẾ NÀO?

Nhắc đến công việc chăm sóc, có bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh các điều dưỡng viên trong bệnh viện. Tuy nhiên, Nhật Bản là một quốc gia siêu già hóa, do đó công việc chăm sóc viên khác với điều dưỡng viên, đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu về công việc chăm sóc viên, dựa trên những phiếu điều tra và phỏng vấn các bạn người nước ngoài đã có kinh nghiêm làm công việc chăm sóc viên tại Nhật Bản.

Contents

Công việc chăm sóc là gì?

Chăm sóc viên là công việc giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, do họ mắc phải những khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, nhất là những người lớn tuổi, để họ có thể sống một cuộc sống độc lập hơn.

Ví dụ như việc giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc tự mình sinh hoạt như người cao tuổi và người khuyết tật. Đó là hỗ trợ những việc như ăn uống, bài tiết, tắm rửa, phù hợp với mức độ của từng triệu chứng và môi trường xung quanh. Nơi làm việc sẽ là cơ sở chăm sóc, cơ sở ngoại trú, nhà riêng của người sử dụng v.v…

Nội dung công việc chủ yếu của một chăm sóc viên:

  • Chăm sóc ăn uống, chăm sóc tắm rửa, chăm sóc bài tiết, chăm sóc di chuyển, chăm sóc di chuyển trong tư thế nằm/ lên xuống phương tiện nào đó.
  • Hỗ trợ việc nhà như lau dọn nhà cửa, nấu ăn.
  • Quản lí dụng cụ hỗ trợ
  • Liên kết với các bên liên quan như bác sĩ, điều dưỡng viên và gia đình người sử dụng dịch vụ.
  • Lên kế hoạch và thực hiện việc ra ngoài, hoạt động giải trí.

 

Công việc chăm sóc tại Nhật Bản

Ở Nhật, xã hội thường có khuynh hướng: con cái khi đi làm hoặc kết hôn sẽ không sống chung với bố mẹ, và bố mẹ sẽ sống với nhau hoặc sống một mình lúc về già. Vì thế, nếu chẳng may họ mắc các chứng bệnh về thể chất hoặc tinh thần, thì sẽ gặp khó khăn khi thực hiện sinh hoạt hằng ngày mà không có sự hỗ trợ nào, và họ sẽ cần phải nhờ vào dịch vụ chăm sóc. Chính vì thế, với xã hội siêu già hóa tại Nhật Bản, thì các chế độ và cơ sở chăm sóc luôn được trang bị hết sức đầy đủ.

Anh Albert Fernandez- công dân Philippines, người đã từng làm chăm sóc viên tại Nhật cho biết: “Ở Philippines cũng có viện dành cho người già, nhưng không được gọi là cơ sở chăm sóc. Tôi nghĩ cũng không có nơi nào như cơ sở chăm sóc ở Nhật cả. Chỉ là nơi mà người cao tuổi có thể sống mà thôi.”

Vì tỷ lệ sinh giảm – già hóa dân số cùng với xu hướng hạt nhân hóa gia đình tăng lên rất nhanh, Nhật Bản đồng thời cũng là quốc gia tiên tiến trong ngành dịch vụ chăm sóc. Các nước Châu Á khác được dự báo cũng sẽ xảy ra quá trình già hóa dân số trong tương lai, cho nên việc học tập cách làm của Nhật Bản – một quốc gia tiên tiến trong ngành cũng là một cơ hội rất tốt.

 

Động lực của công việc chăm sóc

Vì trong công việc, chăm sóc viên phải thường xuyên giao tiếp với người cao tuổi và gia đình họ, nên thông thường sẽ nói chuyện về nhiều thứ khác nhau. Dường như chăm sóc viên cảm nhận rõ nhất động lực cho công việc này là khi họ nhận được những lời cảm ơn “Arigatou”  trong lúc trò chuyện.

Khi được hỏi thì chị Riswanti- người Indonesia trả lời:

“Khi tôi hiểu được ý muốn của người sử dụng trong cơ sở chăm sóc, và chăm sóc đúng với mong muốn của người ấy là lúc tôi cảm nhận được ý nghĩa của công việc này.

Đặc biệt, khi nhìn thấy nụ người của người sử dụng sau khi tôi hoàn thành xong công việc, là khi tôi cảm thấy mình có thêm động lực hơn. Tôi cũng thường xuyên trò chuyện với người nhà của họ. Tôi kể chuyện về quê hương Indonesia của tôi, cũng như về lí do tại sao lại đội Hijab lên đầu (là chiếc khăn mà phụ nữ theo đạo Hồi dùng để che tai và đầu), để tạo mối quan hệ tin tưởng với họ.”

 

Ai sẽ thích hợp với công việc chăm sóc?

Những người thích trò chuyện, người hiểu được cảm xúc của người khác rất thích hợp với công việc chăm sóc. Và, cũng cần một chút “sức khỏe” đối với nghề này nữa. Tuy nhiên, bằng việc học tập về cơ thể người, sử dụng máy móc, thì sự thiếu thể lực sẽ dần được hỗ trợ hơn. Chúng tôi có hỏi một số anh chị người nước ngoài đã có kinh nghiệm làm chăm sóc viên tại Nhật Bản về đặc điểm của người hợp với nghề chăm sóc:

  • “Vì việc giao tiếp để tạo mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau với người sử dụng là rất cần thiết, nên những người thích trò chuyện sẽ là những người hợp với nghề này. Đồng thời, những người tính tình hiền hòa, vui vẻ, hiểu được cảm xúc của người khác cũng sẽ rất hợp.”
  • “Người có thể vui vẻ làm nghề chăm sóc là người lạc quan tươi sáng, nghiêm túc trong công việc, chăm chỉ, thân thiện và khỏe mạnh.”
  • “Trong công việc, cũng có lúc dùng đến sức lực, nhưng chỉ cần bạn nhớ cách sử dụng cơ thể của mình thì có thể thực hiện nó một cách dễ dàng hơn. Vả lại, có các máy móc hỗ trợ di chuyển nên chỉ cần bạn nhớ được cách thao tác trên máy thì không nhất thiết phải có sức khỏe mới làm được.”

 

Nghề nghiệp chăm sóc viên

Khi bạn là một chăm sóc viên, bạn sẽ có những lựa chọn nào cho công việc sau này? Có bạn đặt mục tiêu tích lũy kinh nghiệm tại Nhật và trở thành người lãnh đạo một tổ chức. Cũng có bạn hướng đến việc lấy bằng Chuyên viên Chăm sóc phúc lợi. Rồi cũng có nhiều bạn muốn lấy được Năng lực tiếng Nhật N1 và phát huy năng lực của mình tại Nhật và cả đất nước của mình.

Cũng có người muốn xây dựng sự nghiệp mới: “Mặc dù tôi phải về nước vì chuyện gia đình, nhưng tôi muốn dạy lại kiến thức tiếng Nhật và kiến thức về chăm sóc mà tôi đã học ở Nhật tại đất nước của mình.” (chị Hoàng Thị Ngọc Ánh- người Việt Nam)

Cùng với sự già hóa dân số, nguồn nhân lực trong ngành chăm sóc ở Nhật Bản cũng đang vô cùng thiếu hụt, cho nên có rất nhiều nỗ lực nhằm gia tăng nguồn nhân lực của ngành này. Trong đó Nhật Bản đang tiến hành nhiều sự chuẩn bị để người nước ngoài có thể an tâm đến Nhật và làm việc [1]. Chúng tôi thật sự sẽ rất vui nếu các bạn có hứng thú với công việc chăm sóc tại Nhật, dù chỉ là một chút.

[1] Bộ Y Tế, Lao Động Và Phúc Lợi Nhật Bản: “Những nỗ lực hướng đến đảm bảo nguồn nhân lực Phúc lợi- Chăm sóc”

 

 

 

Scroll to Top