Hầu hết người cao tuổi và người khuyết tật cần chăm sóc chỉ có thể nói được tiếng Nhật. Đồng thời, hầu như tất cả các giấy tờ trong công việc đều được viết bằng tiếng Nhật cả. Có thể một số người sẽ cảm thấy lo lắng khi bắt đầu công việc đầu tiên của mình không phải bằng tiếng mẹ đẻ mà là tiếng Nhật. Vì thế, qua những phiếu điều tra và các cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã có dịp được nghe các bạn người nước ngoài có kinh nghiệm làm chăm sóc viên tại Nhật chia sẻ về năng lực tiếng Nhật cần thiết với chăm sóc viên tại Nhật Bản.
Contents
Tiếng Nhật quan trọng như thế nào đối với công việc chăm sóc?
Vì đa số nhân viên tại các cơ sở chăm sóc là người Nhật, và việc báo cáo lúc giao ca cũng dùng nhiều tiếng Nhật chuyên ngành, nên năng lực tiếng Nhật là vô cùng quan trọng. Vả lại, hầu hết những người cần công tác chăm sóc là người cao tuổi, rất ít người nói được tiếng Anh v.v…, nên nếu bạn không có kĩ năng tiếng Nhật thì bạn không thể giao tiếp với họ được.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh- người Việt Nam chia sẻ: “Mình nói chuyện với nhân viên người Nhật trong cơ sở bằng tiếng Nhật. Càng học, mình càng thấy tiếng Nhật cực kì thú vị. Những khi đọc các bản giải thích công việc thì mình dùng từ điển và công cụ dịch thuật. Mình hay dùng nhất là ứng dụng từ điển trong điện thoại di động. Những khi không hiểu ý của người lớn tuổi, thì mình nhờ các bác nói lại bằng tiếng Nhật đơn giản hơn, hoặc nhờ các nhân viên khác giúp đỡ.”
Tiếng Nhật là yếu tố rất quan trọng khi bạn đến Nhật làm công việc chăm sóc. Và việc bạn học tập chăm chỉ trước khi đi là vô cùng cần thiết.
Bạn đã học tiếng Nhật trong bao lâu trước khi sang Nhật?
Chúng ta đã hiểu được sự quan trọng của việc giao tiếp bằng tiếng Nhật trong công việc chăm sóc. Vậy những người lần đầu tiên đến Nhật để làm công việc này đã phải học tiếng Nhật trước đó bao lâu? Thời gian học sẽ khác nhau tùy vào từng người, nhưng dường như rất nhiều bạn đã nghiêm túc học tiếng Nhật từ 6 tháng đến 1 năm trước khi đi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nếu bạn không đỗ kì thi tiếng Nhật thì bạn không thể đến làm việc được, nên việc tập làm quen dần với tiếng Nhật kể từ khi bạn cảm thấy hào hứng với nghề chăm sóc ở Nhật Bản là một phương pháp khá hiệu quả.
Bạn mất bao lâu để quen được với tiếng Nhật sau khi đến Nhật?
Chị Riswanti- người Indonesia có tâm sự rằng: “Lúc mới bắt đầu công việc chăm sóc ở Nhật, có rất nhiều từ tôi không hiểu. Lúc đầu, tôi xấu hổ và không dám nói ra là tôi không hiểu, chỉ biết cười trừ cho qua. Nhưng khi liên quan đến công việc và đến tính mạng của người cao tuổi, tôi đã nghiêm túc hỏi và nghe các nhân viên khác chỉ bảo cho mình.”
Anh Albert Fernandez- người Philippines thì chia sẻ: “Ba tháng đầu khi mới sang Nhật, tôi đã không thể nói tiếng Nhật tốt được. Tôi có thể viết các câu đơn giản, nhưng không thể nói chuyện được. Cũng có thể là tôi nói được, nhưng vì không tự tin nên tôi đã không bắt chuyện. Ngoài ra, nhờ công việc, tôi còn học được rất nhiều từ ngữ quan trọng mà lúc trước học tiếng Nhật tôi đã không học đến.”
Tùy mỗi người mà thời gian quen với tiếng Nhật khác nhau. Hầu hết mọi người sẽ vất vả trong 3 đến 6 tháng đầu, sau đó sẽ quen dần. Lúc đầu, các bạn sẽ còn gặp nhiều khó khăn về mặt tinh thần do ở một đất nước khác, nhưng người Nhật hầu như thường rất thân thiện, nên có điều gì không hiểu, bạn hãy mạnh dạn đặt câu hỏi để quen dần với tiếng Nhật nhé.
Điểm khó của tiếng Nhật
Đối với các bạn người nước ngoài thì phần nào của tiếng Nhật là khó nhất (đọc, viết, nghe)? Chúng tôi đã tìm được một vài điều rất thú vị khi tiến hành phỏng vấn các bạn đã có kinh nghiệm làm công việc chăm sóc tại Nhật Bản. Đó là về một trong những phần khó của tiếng Nhật: ngôn ngữ địa phương. Nhật Bản là một đảo quốc kéo dài từ Bắc xuống Nam nên có rất nhiều ngôn ngữ địa phương vẫn tồn tại và bây giờ đang được sử dụng. Ngay cả những nơi được biết đến nhiều như Tokyo hay Osaka cũng có ngôn ngữ địa phương nữa.
Trong những bản điều tra được thực hiện, có những câu trả lời như thế này:
- “Điểm khó đối với tôi là tiếng địa phương vùng Kansai. Tôi làm việc trong một cơ sở chăm sóc ở Kobe. Lúc đầu tôi không hiểu mọi người đang nói gì cả, vì cả anh chị nhân viên và người sử dụng đều dùng tiếng Kansai.”
- “Cả nhân viên và người sử dụng đều dùng tiếng vùng Okayama, nên tôi đã không hiểu họ nói gì cả. Điều này thực sự khó khăn đối với tôi. Tôi đã phải nhờ một bạn chăm sóc viên đến từ cùng quốc gia với tôi giúp đỡ.”
Có rất nhiều bạn dùng ứng dụng trên điện thoại di động để tra cứu khi không rõ cách đọc viết bằng tiếng Nhật phổ thông. Bằng sự tiên tiến của công nghệ, rào cản ngôn ngữ cũng sẽ dần được thu hẹp.
Phương pháp học tiếng Nhật
Chúng tôi có nhận được những lời khuyên bên dưới từ các bạn người nước ngoài có kinh nghiệm làm chăm sóc viên tại Nhật Bản. Bạn hãy tham khảo khi học tiếng Nhật nhé.
“Bản thân tôi thì tích cực tự bắt chuyện trước. Tôi không bận tâm lắm về ngữ pháp, cũng như chuyện “Nhỡ sai thì làm sao đây?”… cứ nói ra trước đã. Đối với bạn nào thích truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản thì sẽ là một ý tưởng rất tốt nếu sau khi đọc xong một quyển truyện, bạn xem cả phiên bản phim hoạt hình của nó. Tôi thấy nếu mình xem hoạt hình sau khi đọc truyện tranh thì nội dung sẽ trở nên dễ hiểu hơn nhiều.
Tôi cũng gợi ý các bạn xem phim điện ảnh dành cho phái nữ. Vì có nhiều từ ngữ dùng trong hội thoại hằng ngày, nên bạn sẽ dễ nói được tiếng Nhật tự nhiên hơn (Trong tiếng Nhật có cách nói chuyện của nữ riêng, nam riêng). Trong quá trình đào tạo thì chúng ta sẽ học ngữ pháp, từ vựng, nhưng tôi nghĩ nó giống như “Sách giáo khoa tiếng Nhật” vậy, nên sẽ mất thời gian cho tới khi bạn nói được tiếng Nhật một cách tự nhiên.” (Chị Riswanti- người Indonesia chia sẻ)
“Có một bí quyết để có thể nhanh chóng giỏi tiếng Nhật. Đó chính là việc bạn nghe tiếng Nhật mỗi ngày. Bạn có thể nghe chương trình tin tức NHK, hoạt hình, nhạc Nhật, phim truyền hình, rồi bắt chước nói theo, khi có từ mới thì bạn ghi lại và học thuộc. Có sự khác biệt giữa tiếng Nhật mà tôi học trước khi sang Nhật và tiếng Nhật tôi dùng trong thực tế công việc. Nếu bạn để ý và học tiếng Nhật trong sinh hoạt và tiếng Nhật trong công việc, thì sẽ rất có ích khi bạn bắt đầu công việc đấy.” Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh- người Việt Nam chia sẻ.